- MỘT BIÊN BẢN HỌP CÓ 8 CHỮ KÝ VÀ 7 CON DẤU (Tiếp theo của Phần 1)
Không biết bây giờ thủ tục hành chính còn như vậy không nhưng khi chuyển nhượng mảnh đất làm trụ sở công ty, chúng tôi phải đứng ra tổ chức một cuộc họp liên cơ quan làm nhiệm vụ định giá tiền chuyển nhượng.
Sau 2 lần hoãn họp, hôm ấy may sao cuộc họp đã mời đủ đại diện của 7 sở, ban ngành của thành phố, gồm: Sở Tài chính, Sở Địa chính, Sở Vật giá, Sở Xây dựng, Sở chủ quản đơn vị chuyển nhượng đất, đơn vị chuyển nhượng, và chúng tôi - đơn vị được chuyển nhượng. Cuộc họp diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút cuối giờ làm việc nhưng sau đó phải mất 5 ngày làm việc để đi xin đủ được 8 chữ ký và đóng được 7 con dấu trên tờ Biên bản họp ấy.
Trong quá trình hành nghề kiểm toán, đã khi nào bạn thấy một giấy tờ gì dày đặc con dấu và chữ ký như vậy chưa?
Khi chuyển nhượng lại mảnh đất số 8 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty Thương nghiệp Hà Nội, chúng tôi có hứa tặng một món quà cho ông giám đốc. Chẳng may khi công việc chưa xong thì ông đã qua đời sau một cơn bệnh nặng. Chúng tôi lo vòng hoa và chút ít tiền phúng viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mấy ngày sau đó, tôi và 2 ông đồng nghiệp già lần mò tìm đến nhà ông giám đốc kèm theo thẻ hương và gói quà nhỏ đặt lên bàn thờ ông mới được dựng tạm sau khi ông mất. Cùng với lời viếng là lý do của món quà nhỏ gửi cho ông. Bà vợ ông đứng bên cạnh khóc nức nở “Ông ơi, ông đang có những người bạn tốt. Hai hôm nay chỉ thấy người đến đòi nợ ông. Không ngờ hôm nay lại có mấy ông đây đến tặng quà cho ông. Ông linh thiêng về nhận, tôi đã thay mặt ông cảm tạ họ rồi…”
Mãi về sau, cho đến lúc này, tôi luôn thấy tâm hồn mình thanh thản.
13. CHUYỆN CHIẾC “CẠC VI DÍT”
Ngày nay, chẳng mấy KTV không có danh thiếp. Chứ ngày ấy, vào những năm 1995/1996, danh thiếp chỉ dùng cho giám đốc, phó giám đốc. Danh thiếp là phương tiện thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá danh tính và nghề nghiệp. Nhà hàng, khách sạn ngày nay để hộp danh thiếp ngay tại bàn lễ tân để khách tự ý sử dụng…Với tôi, tấm danh thiếp đã để lại một kỷ niệm nhớ đời KTV.
Một buổi sáng đang làm việc, thấy điện thoại bàn reo vang, tôi cần máy: “Alô! Dạ tôi nghe”; “Chào anh M! Em…đây”; “Dạ…”; “Sao anh hẹn mà anh không đến…”! “Dạ…xin lỗi”! “Em đây mà…”; “Hôm trước anh hẹn thế mà tối qua anh chẳng đến, em chờ mãi…”; “Xin lỗi, chị nhầm máy rồi, chị gọi ai đấy ạ”...”Em…em…”; tôi bỏ máy và cho rằng một cô gái nào đó đã gọi nhầm máy.
Mấy phút sau tiếng chuông lại reo…Tôi cầm máy và nghĩ rằng có một cuộc gọi mới: “Dạ, tôi nghe”. “Anh M…em đây mà, em làm sao mà nhầm máy được, chắc anh không muốn gặp em nữa phải không? Tay em đang cầm “cạc vi dít” của anh đây, sao mà em nhầm được…” “Xin lỗi, em đang cầm danh thiếp của ai đấy, đọc lên anh nghe…” và tôi vô cùng ngạc nhiên khi cô gái đọc đúng Họ tên, Chức danh, tên công ty và số điện thoại, số fax…Khi đó thì tôi phải thừa nhận: Đúng là danh thiếp của mình rồi. Tôi hơi giật mình và bình tĩnh nói “Xin lỗi, ai đưa tấm danh thiếp đó cho em”; “Anh chứ còn ai! Anh đã ngồi với em, anh đưa “cạc vi dít” và hẹn hôm sau anh đến với em, anh còn hỏi tên em và…” Tôi thấy sự việc đúng là quan trọng nên nhẹ nhàng nói tiếp “Được rồi! Thế em ở nhà hàng nào? Anh sẽ đến…” Cô gái nói tên nhà hàng và nhắc tôi: “Anh đừng lỡ hẹn nữa đấy.”
Ngay sau đó tôi mời anh Phó giám đốc và Chủ tịch công đoàn lên gặp và mô tả lại tất cả sự việc. Tôi giao nhiệm vụ: “Tôi đồng ý chi tiền cho hai anh đến nhà hàng đó, tìm gặp cô gái, mời cùng ngồi…và hỏi cho rõ sự việc. Tìm cách xin lại chiếc danh thiếp của tôi và nói rằng: “Chắc chắn có một ai đó đã dùng danh thiếp của tôi đi nhà hàng, đưa cho cô gái và hò hẹn…, yêu cầu cô gái không được gọi cho giám đốc chúng tôi nữa.”
Hết giờ làm việc chiều hôm đó, hai đồng nghiệp của tôi đã đến nhà hàng, qua các nhân viên được biết cô gái có tên vậy đang nghỉ ốm, một hai hôm nữa mới đi làm việc…
Ba hôm sau, hai đồng nghiệp của tôi lại đến nhà hàng, gọi bia, thức nhắm…nhưng vẫn không gặp được cô gái. Hai người gặp phụ trách cửa hàng nói rõ sự việc thì được biết cô gái có tên vậy đã nghỉ làm hai hôm nay. Chủ cửa hàng nhận lời: nếu cô gái quay lại sẽ nhắc cô yêu cầu của tôi…
Sự bận rộn của nghề nghiệp kiểm toán đã giúp tôi quên đi chuyện về tấm danh thiếp bị lợi dụng thật nguy hiểm. Trong một lần sinh hoạt công đoàn vui vẻ, tôi đã kể lại chuyện cũ như một kỷ niệm độc đáo trong đời KTV, nhắc nhở anh em thận trọng khi sử dụng tấm danh thiếp KTV.
14. TÔI LÀ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Trong 3-4 năm đầu sau khi thành lập và hoạt động, Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) như một cô gái đẹp, được cả mấy “đại gia” thế giới (PW, KPMG, DTT, AA, CL, E&Y…) săn đón. VACO đã liên doanh kiểm toán, đã ký biên bản hợp tác với mấy anh cả…Rốt cuộc, VACO đã kết duyên cùng DTT, một trong Big 6. Nguyên nhân không thành duyên với các Big… khác chủ yếu do VACO là doanh nghiệp nhà nước, do Bộ Tài chính quản lý. DTT là “đại gia” duy nhất gắng gượng vượt qua được thực tế đó.
Thế rồi, chưa đầy 1 tháng sau, Ông David Tong – TGĐ liên doanh VACO-DTT lại gặp một cú “sốc” mới khi biết rằng: TGĐ của VACO, Phó TGĐ liên doanh VACO-DTT là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Số là Chi bộ Đảng mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Tôi phải báo cáo với TGĐ cho anh em nghỉ làm 1 buổi để họp Chi bộ Đảng. Ông TGĐ trố mắt ngạc nhiên, yêu cầu phiên dịch nhắc lại lời yêu cầu của tôi. Ông hỏi lại: “Ông là Đảng viên Đảng cộng sản? Liên doanh có Chi bộ Đảng cộng sản? Chi bộ các ông làm gì? Sao tôi không được biết khi thành lập liên doanh…” Tôi phải giải thích cặn kẽ nhưng ông vẫn tỏ ra không hiểu, có thể do phiên dịch chưa rõ, có thể do ông chưa từng có khái niệm về Đảng cộng sản hoặc ông đang nghĩ rất khác chúng ta về Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ đó, mỗi lần trao đổi công việc với tôi ông tỏ ra thận trọng hơn, ít nói hơn vì trước đó ông là người thầy đã dạy cho tôi khá nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi nhớ mãi cách tính phí kiểm toán ông đã hướng dẫn cho tôi trong một lần cùng ngồi trên máy bay đi Hồng Kông, Trung Quốc…Ông nhắc tôi: “Không được ngượng ngùng, không được do dự khi thông báo mức phí cho khách hàng. Cách nói chắc chắn, giúp khách hàng cho rằng mức phí đưa ra là đúng mức…” Ông nói với tôi và gửi Memo cho các thành viên Ban giám đốc liên doanh: “Chỉ nhận cung cấp dịch vụ cho khách hàng khi đạt mức phí từ 5000 USD trở lên…”
Trong quá trình làm việc sau đó chúng tôi có gặp một vài trục trặc và tôi nghĩ rằng: “Có thể do ông vẫn ấn tượng về việc tôi là Đảng viên.”
Thế rồi một ngày ông TGĐ chia tay chúng tôi đi nhận công việc khác. Tôi hỏi ông “Việc tôi là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, việc trong liên doanh có Chi bộ Đảng có gây khó khăn gì cho ông không?” và nhắc lại chuyện cũ…Ông cười bảo: “Tôi đã quên chuyện đó rồi. Tôi được biết trong các kỳ họp Chi bộ, ông luôn nhắc nhở đồng nghiệp thực hiện công việc kinh doanh, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra rủi ro…Tôi cảm ơn Chi bộ Đảng của ông…”
15. RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Đã 20 năm hoạt động KTĐL nhưng chỉ mấy năm gần đây mới xảy ra vài vụ sai phạm nghề nghiệp khiến Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Hội nghề nghiệp đưa ra quyết định xử lý: nghiêm khắc phê bình, khiển trách, cảnh cáo hoặc đình chỉ hành nghề…Thực tế các sai phạm nghề nghiệp đã xảy ra ngay từ những năm đầu tiên ra đời KTĐL.
Chuyện là thế này: Vào một buổi gần trưa tháng 7/1995, lễ tân báo tôi có khách từ Hà Sơn Bình (tỉnh Hòa Bình hiện nay). Tôi thấy vui vui vì đang có 2-3 khách hàng từ đó. Cửa mở, hai cán bộ khá trẻ bước vào phòng. Tôi đứng dậy miệng chào, tay kéo ghế mời khách ngồi. Hai cán bộ gật đầu trả lời và nhìn ngắm căn phòng, nhìn tôi hơi kỹ.
a. Xin lỗi, hai anh ở đơn vị nào và gặp tôi có việc gì ạ!
b. …
c. Mời các anh uống nước…
d. Anh là…giám đốc công ty kiểm toán…?
e. Vâng!
f. Các anh định giá tài sản của Công ty chế biến và xuất khẩu tinh dầu X?
Tôi ngập ngừng vài giây và trả lời “Vâng”.
Sau đó hai cán bộ đưa giấy giới thiệu và giải thích rằng họ là công an điều tra của Sở Công an Hà Sơn Bình đang điều tra về vụ Công ty chế biến và xuất khẩu tinh dầu Hà Sơn Bình đã vay của Ngân hàng nông nghiệp tỉnh hơn 2 tỷ đồng nhưng bị phá sản không có khả năng thanh toán; rằng khoản tiền vay đó liên quan đến tài sản thế chấp là 57 quyển sổ đỏ đất trồng rừng, do công ty tôi xác định giá trị rừng trồng bị sai khoảng 27% tổng diện tích. Sau gần 1 giờ trao đổi và xem tài liệu, các điều tra viên đã chỉ ra chỗ sai của KTV là cộng trùng diện tích trồng rừng của 18 quyển sổ đỏ. Tôi so đi, tính lại và nhận thấy các KTV đã sai rõ ràng. Tất cả có 7 bản danh sách các hộ trồng rừng, mỗi hộ có 5-7 mảnh đất trồng rừng được ký hiệu A, B, C cho từng lô, khoảnh…Có 18 quyển sổ đỏ được lập 2 lần xen kẽ vào từng tờ danh sách khác nhau…
Tôi lo lắng hỏi: “Vậy theo các anh, chúng tôi phải làm gì”. “Chúng tôi sẽ lập Biên bản làm việc, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị xét xử theo quy định…” Biên bản làm việc đã được lập. Tôi chỉ đề nghị bổ sung câu “Về các số liệu nêu ra (trong biên bản) chúng tôi sẽ xem xét lại và giải trình sau.” Sau đó các thủ tục cần thiết của người có lỗi đã được chúng tôi thực hiện.
Làm giám đốc công ty kiểm toán không có gì vui sướng hơn khi ký được một hợp đồng nặng ký, hoặc khi thắng thầu trong một cuộc đấu thầu kiểm toán có nhiều công ty kiểm toán tham gia…Nhưng cũng không có gì lo lắng hơn khi xảy ra “rủi ro nghề nghiệp”, nhất là khi xảy ra các sai phạm rõ ràng không có gì có thể biện minh, cho dù chúng tôi vẫn thường nhận phí tư vấn cho khách hàng.
Ngay chiều hôm đó, tôi gọi cho KTV phụ trách hợp đồng mang nộp cho tôi toàn bộ tài liệu, hồ sơ liên qua đến khách hàng đó. KTV cũng cực kỳ lo lắng và giải trình với tôi…Tôi cử KTV khác cùng KTV tiền nhiệm về Ngân hàng nông nghiệp tỉnh và tìm hiểu cặn kẽ hơn sự việc…Với tất cả mọi thông tin được cung cấp từ các nguồn, ánh sáng đã le lói từ cuối đường hầm: Tất cả thông tin do hai điều tra viên cung cấp đều đúng cả, nhưng thiếu một thông tin quan trọng, đó là việc thuê KTV định giá tài sản thế chấp ngân hàng chỉ là thủ tục cần thiết để bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng đã xảy ra trước đó.
Hai hôm sau, một trong hai điều tra viên nói trên đã quay lại làm việc. Tôi cảm ơn và nhận lỗi thay cho các KTV đã làm việc trực tiếp. Tôi thông báo thêm tình tiết mới được phát hiện và đề nghị ghi bổ sung vào biên bản. Để sự việc được êm dịu, tôi quyết định sử dụng hết khoản phí thu được từ khách hàng này để tên công ty kiểm toán của chúng tôi không bị ghi trong hồ sơ vụ án.
Vụ việc qua đi nhưng giá trị của lỗi lầm của KTV đã lưu lại mãi, cho đến hôm nay. Tôi ghi lại kỷ niệm này để đồng nghiệp tham khảo. “Nghề kiểm toán là nghề đòi hỏi sự cẩn thận đến mức tưởng như không cần thiết.”
16. NGỦ CÙNG PHÒNG
Có lẽ chỉ các bạn KTV mới thấu hiểu cái cực nhọc của nghề kiểm toán trong “mùa bận rộn”. Khi mà file kiểm toán xếp đầy trên bàn và để cả dưới sàn nhà, xếp xung quanh KTV, các manager và Ban lãnh đạo…thì không ai muốn tiếp khách thông thường nữa. Nhiều lúc không kịp cả ăn, uống…Làm việc đến 2-3 giờ sáng, thậm chí còn ngủ lại văn phòng làm việc. Bộ phận hành chính mua thức ăn, đồ uống cho anh em…Người thân tôi nhiều lần nói: “Chả biết ông làm gì ở văn phòng đến tận giờ này…” Một lần tiếp xúc với các ông/bà tổ dân phố, họ nói: “Chẳng biết công ty của ông làm gì mà chỉ thấy người đi ra, đi vào, thậm chí rất sớm, rất khuya…”
Với tôi lại có một kỷ niệm “rất khác” trong mùa kiểm toán.
Trong những dịp quá bận rộn, tôi chỉ đạo cho lễ tân chỉ nối điện thoại hoặc thông báo cho tôi tiếp các khách đặc biệt quan trọng, chủ yếu là khách hàng. Một buổi sáng ấy, đang cặm cụi sửa bản Báo cáo kiểm toán để kịp lưu hành vào buổi chiều như đã hẹn với khách hàng, chuông điện thoại reo vang. Bạn lễ tân thông báo cho tôi bằng một giọng ngập ngừng: “Thưa chú…có một chị…nói rằng đã…ngủ cùng phòng…với chú…xin gặp chú ạ!”
Tôi chững lại một giây, và nghĩ nhanh: “Ai mà táo tợn thế nhỉ?” và nói: “Mời chị ấy lên gặp chú”. Bỏ điện thoại, tôi đứng dậy đi ra cửa. Có tiếng gõ cửa và một người phụ nữ còn trẻ, ưa nhìn…tủm tỉm cười, nhìn tôi, nói to và nhanh: “Anh ngạc nhiên lắm hả, vào phòng em giải thích cho anh nghe”. Tôi đã nhận ra người quen và cũng nói to: “Trời ơi! Chị nói thế thì chết tôi mất”.
Chưa kịp mời nước, người phụ nữ vừa vui mừng vừa giải thích: “Em mà không nói thế, nhân viên của anh đâu có cho em lên gặp anh, mà việc thì rất gấp: Em xin cho cháu vào làm việc ở công ty nên phải trực tiếp gặp anh” – “Thế sao chị lại nói vậy?” – “Em nói không đúng à, khi học lớp kiểm toán, anh là giảng viên, em và nhiều người, trong đó có anh, đều cùng ngủ trưa tại phòng học là gì?”
Trước khi ra về, tôi mách cho chị người quen một mẹo nhỏ: “Chị nói vậy đã là một mẹo hay nhưng táo tợn quá. Lần sau chị muốn gặp giám đốc công ty kiểm toán nào chị chỉ cần nói: Tôi là…ở doanh nghiệp A, B, C…xin gặp giám đốc công ty để thỏa thuận ký hợp đồng kiểm toán…chị sẽ được nhân viên niềm nở chào đón và rải chiếu hoa mời vào…”
Sau đó tôi thấy chị người quen nói chuyện khá lâu với bạn làm lễ tân. Cuối giờ chiều, bạn lễ tân nói lại với tôi về những gì chị bạn đã giải thích lại với bạn ấy.
Chắc chắn có rất nhiều bạn KTV và chính bạn cũng đã “ngủ cùng phòng” trong các lớp học, cập nhật kiến thức…như câu chuyện của tôi nhưng có thể bạn chưa có một kỷ niệm như vậy. Một sự việc, một lời nói, một kỷ niệm…sẽ giúp chúng ta thấy vui vẻ hơn và gắn bó hơn với một “nghề” đã trở thành “nghiệp” này, nhất là trong mùa bận rộn. Có phải vậy không các bạn?
17. CHÚNG TÔI ĐÃ VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP KIỂM TOÁN
Vào năm 1993/1994 ở Hà Nội vẫn còn rất ít xí nghiệp liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài. Vì mới có rất ít công ty kiểm toán nên chúng tôi gần như không phải đi tìm khách hàng. Các bên nước ngoài thường mời công ty kiểm toán nước ngoài, nhưng bên Việt Nam lại nhất định mời công ty kiểm toán Việt Nam. Lý do chủ yếu có thể do ngôn ngữ và thông lệ quốc tế và Việt Nam còn rất khác nhau.
Chúng tôi được mời làm kiểm toán cho Xí nghiệp liên doanh Hải Hà Kotoboki sản xuất bánh kẹo và kiểm toán Liên doanh sản xuất bia Haliđa. Vì cùng làm kiểm toán cho 2 liên doanh của cùng một bên Việt Nam nên chúng tôi biết được bên Việt Nam đang thiếu vốn góp để bảo đảm tỷ lệ 30/70. Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi phát hiện ra không chỉ có bên nước ngoài là Hãng bia Casberg Đan Mạch muốn thành lập liên doanh với Bia Hải Hà mà còn một, hai hãng bia quốc tế khác…Tôi nhẩm tính và đưa ra đề xuất xác định giá trị vô hình của nhãn hiệu Bia Hải Hà để tính vào vốn góp liên doanh. Khi trình bày đề xuất này với Bà TGĐ, mặc dù tỏ ý nghi ngờ ở tính khả thi của đề xuất nhưng bà TGĐ cũng đồng ý ký hợp đồng nhờ chúng tôi tư vấn. Giá phí tư vấn khá cao nhưng thỏa thuận “Nếu không được bên nước ngoài chấp thuận thì không được trả phí tư vấn”. Tôi đồng ý.
Bằng việc tính tỷ lệ lãi suất hàng năm của nhà máy Bia Hải Hà, chênh lệch giá của các loại bia đang bán, tính lợi thế thương mại, nhu cầu liên doanh của các hãng bia nước ngoài khác…chúng tôi đã tính ra giá trị vô hình của nhãn hiệu Bia Hải Hà là 600.000 USD, tương đương với 6 tỷ VNĐ lúc bấy giờ. Sau khi trao đổi với bên Việt Nam, Bia Hải Hà tổ chức một cuộc họp để chúng tôi trình bày phương pháp tính và kết quả đề xuất với đối tác nước ngoài…Kết quả thật bất ngờ, bên nước ngoài tạm thời chấp nhận và xin trả lời chính thức sau bằng văn bản. Sau đó, tôi được biết bên nước ngoài đã tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà tư vấn của họ, và đặc biệt được chi nhánh một ngân hàng của Pháp ở Hà Nội lúc đó đồng ý. Mấy ngày sau, hai bên liên doanh ký biên bản bổ sung vốn góp của bên Việt Nam đúng bằng 600.000 USD. Báo chí lúc bấy giờ đã đưa tin “Lần đầu tiên một bên của Việt Nam góp vốn liên doanh bằng giá trị vô hình của nhãn hiệu hàng hóa.”
Kết quả thật bất ngờ. Có gì vui hơn đối với bên Việt Nam. Bà TGĐ đã quyết định thưởng cho công ty kiểm toán chúng tôi 10 triệu đồng và một số lượng két bia lớn đủ dùng thoải mái cho ngày Lễ khánh thành trụ sở văn phòng công ty tại Số 8 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội vào tháng 8/1994.
Nếu đối chiếu với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/12/2005 (thậm chí cả chuẩn mực đạo đức quốc tế) thì chúng tôi đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán vì “KTV không được nhận bất kỳ khoản phí hoặc quà tặng nào của khách hàng ngoài phí dịch vụ đã ghi trong hợp đồng.”(Mời các bạn xem tiếp phần cuối tại đây)
Theo VACPA
No comments:
Post a Comment