Một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượngcũng không thể đi xa nếu việc quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung. Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và bạn bè gia đình lôi cuốn vào những hoạt động không hiệu quả; hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chánh; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỹ cương công ty; không tôn trọng khách hàng hay đối tác hay cổ đông hay địch thủ; sử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
(mình bị mắc lỗi không kỷ luật nghiêm minh về tài chính và sử dụng người theo tình cảm @_@)
Bài nói chuyện của tôi ở buổi Siêu Hội Thảo về Đầu Tư và Kinh Doanh 16/2 không chắc có gây một ấn tượng gì sâu đậm trong tư duy các khán thính giả; nhưng một công thức rất đơn giản về tài chánh lại tạo một phản hồi ồn ào (hơn 200 Emails trong 3 ngày), nhất là với các bạn trẻ đang khát khao làm giàu.
Một công thức kiếm tiền đơn giản
Nguyên văn phần phát biểu, “Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la.
Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện…chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc.
Chỉ đơn giản có thế.
Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu đô la vào 2017, tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại.”
Tư duy của thế hệ 8X, 9X vẫn coi chuyện làm quan là con đường lý tưởng nhất để đạt mộng ước về giàu có (rồi đồng tiền, dù cách kiếm chác có như thế nào, vẫn sẽ đưa ta đến những tài sản mà xã hội Việt nam coi trọng: phú quý, sĩ diện, quyền lực, trí thức).
Con đường này dĩ nhiên cũng vất vả, nhiều cạnh tranh và chuyện “đội trên đạp dưới” là một hành xử bắt buộc. Nó cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm nếu trong quá trình, ta lỡ đụng chạm quyền lợi với một kẻ thù mạnh hơn. Do đó, qua công thức kinh doanh tôi đề xướng, các bạn trẻ tham vọng lại thấy mình có một lối đi khác, nhiều tiền không kém các quan, mà khỏi phải cúi đầu hoài, mỏi lưng. Chả trách các bạn muốn tìm biết thêm chi tiết để lên kế hoạch.
Nhưng vì không có bữa ăn nào miễn phí, nên tôi đã phải nói nhiều về cái giá phải trả cũng như về những điều kiện cần và đủ nếu muốn theo đuổi chương trình triệu phú đô la này. Trước hết là những món hấp dẫn về điều kiện tham dự.
Quá dễ để tham dự
Bạn không cần một bằng cấp hay học vị nào, thực hay rởm, từ bất cứ một đại học nào. Bạn sẽ cần kiến thức, nhưng đó là loại trí thức được trau dồi thu nhập hàng ngày qua những trải nghiệm thực tế và sai trái (sai lầm – thất bại). Bạn sẽ phải nghiên cứu, phân tích mỗi ngày đủ loại dữ kiện về công nghệ, quản lý, tài chánh, tiếp thị…nhiều gấp 3, 4 lần số giờ học tập của một sinh viên MBA chính quy. Sẽ không có thi tuyển, thi sát hạch hay nhờ người thi dùm; nhưng mỗi lần bạn sơ hở, quên làm bài và “thi trượt”, thì kết quả sẽ hiện thực bằng một cái giá vô cùng đau đớn.
Bạn không cần một lý lịch tốt, là con cháu của các bác, cần tìm một thế lực chống lưng hay giới thiệu. Bạn cũng không cần một dự án kiểu sao chép, với đủ loại dấu xanh dấu đỏ phê chuẩn. Bạn chỉ cần một sản phẩm đặc thù sáng tạo, đủ khả năng để cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào và một kế họach kinh doanh bài bản làm các nhà đầu tư sửng sốt khi đọc.
Bạn có thể ở vào lứa tuổi 20 hay 30 hay 60 hay 70. Tuổi tác không quan trọng, nhưng sức khỏe, lòng đam mê và ý chí vượt bão phải thật đầy đủ.
5 điều kiện mấu chốt
Tôi đã nói nhiều về những điều kiện cần có để tạo lực đẩy cho mọi hành trình kinh doanh. Tôi xin vắn tắt lập lại:
1. Động lực, lòng tham (tham vọng) và ngọn lửa trong người. Yếu tố này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng đầy ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế tuyệt vọng và nếu không còn động lực, việc bỏ cuộc đầu hàng sẽ là lựa chọn đầu tiên.
2. Lợi thế cạnh tranh: Sản phẩm kinh doanh phải mang tính sáng tạo, độc đáo và tạo một lợi thế cạnh tranh chắc chắn. Nó có thể là một dịch vụ mới lạ chưa có trên thị trường, một công nghệ mũi nhọn hơn các địch thủ, một sản phẩm có thương hiệu lâu đời hay một hệ thống tiếp liệu phân phối hiệu quả (*) nhiều ứng dụng. Dĩ nhiên, nhu cầu thị trường cũng phải hiện hữu ở tầm mức đủ lớn để tạo doanh thu và lợi nhuận mong muốn.
3. Sức khỏe để đối phó với áp lực và thời gian công sức đòi hỏi. Những áp lực và lời khen tiếng chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả trong xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt bình tĩnh thì không thể hoàn tất công việc quản trị. Ngoài áp lực, sức khỏe là một yếu tố mấu chốt vì thiên tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất bại, khó tạo dựng được gì bền vững. Tôi chưa thấy một doanh nhân thành công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là 24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.
4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro. Chỉ cần một sai lầm nhỏ thì đã có thể giết chết một đại công ty như Arthur Anderson, Lehman Brothers hay suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao. Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người… dốt toán nhất (*), và sự ngu dốt này chỉ vượt qua được với tính lạc quan phi lý, lối xử lý liều lĩnh ngang ngược. Chỉ nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất bại, có thể sẽ mất tất cả từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm… làm nhiều người bình thường phải chùn chân.
5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức. Nếu chưa có những yếu tố này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có thể thu thập nhanh chóng nếu chịu khó bỏ ra 2 tháng, suốt ngày đọc các bài viết về ngành nghề mình chọn (Google và Internet là một nguồn thông tin không thể thiếu). Sau đó, phải tạo dựng những quan hệ với bất cứ cá nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình muốn. Những nhân vật này thực sự là những thiên thần có thể truyền lại những kinh nghiệm mình thiếu sót.
Với 5 yếu tố mấu chốt ở trên, bất cứ một hành trình kinh doanh nào cũng sẽ đến đích, không sớm thì muộn, tùy vào tầm cỡ của dự án. Tôi dùng công thức 5 năm cho một tài sản khoảng 1 triệu đô la vì tôidựa trên một tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) trung bình là 7; hay một dòng tiền lợi nhuận hàng năm khoảng $150 ngàn. Trong ngành phân phối hay sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp bạn phải bán ra khoảng 1.5 triệu đô la để đạt chỉ tiêu này. Nó không dễ, nhưng chắc chắn đây không phải là một hành trình kiểu Vạn Lý Trường Chinh của Mao. Trong những ngành nghề hiện đại hơn như IT hay tài chánh, các tỷ lệ P/E thường rất cao; nên mục tiêu càng dễ đạt.
Các rào cản và thử thách
Nhưng trên hết, một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượng cũng không thể đi xa nếu việc quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung. Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và bạn bè gia đình lôi cuốn vào những hoạt động không hiệu quả; hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chánh; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỹ cương công ty; không tôn trọng khách hàng hay đối tác hay cổ đông hay địch thủ; xử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
Vượt qua các rào cản này là bạn đã đi xa hơn 90% các đối thủ cạnh tranh và có ít nhất là 80% để đạt mục tiêu hay tiến xa hơn nữa.
Xác xuất thành công
Tôi ước tính là chánh phủ Việt Nam sẽ tiêu xài khoảng 400 tỷ USD (ngân sách và nợ công) trong 5 năm tới, kể cả những đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Nếu thất thoát và lãng phí trung bình là 14% như hiện nay, thì tài sản riêng của các quan chức chiếm khoảng 56 tỷ USD. Đây là một số tiền khá lớn nhưng số lượng người cạnh tranh cũng rất khủng khiếp vì sự hấp dẫn của “free money” (tiền chùa). Gần 4 triệu công chức và cán bộ (*) tham dự cuộc chơi nên bạn phải nằm trong top five (5% đỉnh) để xí phần đáng kể.
Trong khi đó, lãnh vực tư nhân sẽ chiếm khoảng 540 tỷ USD; và tài sản lưu giữ có thể lên đến hơn 100 tỷ USD. Với hơn 1 triệu doanh nhân thi đấu, cơ hội thắng 1 triệu đô la sẽ tốt hơn chuyện làm quan nhiều.
Nhưng trên tất cả các thành quả và khó nhọc của cuộc chơi, phần thưởng lớn nhất cho các doanh nhân trẻ sẽ là một lòng tự trọng và hãnh diện vì sự đóng góp chân chính của bản thân cho xã hội. Mỗi sáng, khi soi gương, bạn sẽ không phải cúi đầu tự hổ thẹn cho mình hay gia đình.
Alan Phan
(Bài đã được đăng trên báo Vietnamnet ngày 28 tháng 2 năm 2012)
—————————-
*Những nhận định riêng của Lê Vũ:
Đọc bài xong thì các bạn cũng đã phần nào rõ ràng về nội dung rồi, tôi chỉ xin điểm lại một số vấn đề nhỏ để các bạn dễ theo dõi “ý định” các Bác Alan hơn mà thôi, cũng không dám múa rìu qua mắt thợ, đây chỉ là nhận định cá nhân, các bạn thấy được thì dùng, không được thì không cần phải dùng.
1* Bác Alan dành hơn 40 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt thời gian Bác xuất ngoại là trước khi hòa bình được thiết lập thống nhất 2 miền tổ quốc, nhìn kỹ những chia sẻ của Bác, ngôn từ vẫn rất sắc bén và lập luận vững chắc, tuy thế đôi chỗ dùng từ không phải lúc nào cũng rõ nghĩa, điều này không có nghĩa là Bác dùng sai mà chỉ đơn giản là định nghĩa từ ngữ của Việt Nam mình phức tạp hơn hẳn hầu hết các thứ ngôn ngữ khác. Tôi có đóng mở ngoặc và điền vào từ ngữ mà tôi nghĩ nên dùng, cũng để nhắc nhở chính mình và gợi ý cho độc giả hiểu rõ được ý của Bác Alan hơn.
2* Bài viết này lấy nguồn từ trang web gocnhinalan.com, phần trình bày này lại lấy từ cách trình bày của một biên tập viên nào đó của vietnamnet, nhiều đoạn tô đậm không cần thiết, tôi cố gắng gạch chân, tô đậm những điểm nhấn (keywords) quan trọng để bạn đọc tham khảo và đọc kỹ thêm (trên quan điểm cá nhân và sự trải nghiệm về chủ đề mà Bác Alan chia sẻ trong bài).
3* “…một hệ thống tiếp liệu phân phối hiệu quả…” ở đoạn nội dung này, Bác Alan có nêu ra một số yếu tố giúp chúng ta xác định ý tưởng kinh doanh theo diện rộng, xét các ý tướng kinh doanh để phát huy lợi thế cạnh tranh nói chung về lâu dài, dưới góc nhìn cá nhân Lê Vũ, bạn chỉ cần xuất phát đơn giản hơn với những ý nghĩ thường ngày khi quan sát cách kinh doanh của một tổ chức nào đó, nếu bạn phát hiện mô hình của họ có lỗ hổng (dịch vụ kém, phục vụ kém, sản phẩm kém, phân phối kém) và bạn có ý tưởng để thực hiện tốt hơn, mỗi ngày hãy viết ra giấy và lưu trữ lại. Hãy xem lại và hoàn thiện các ý tưởng này mỗi ngày, mỗi tuần, mối tháng, cho đến khi bạn tập hợp đủ các yếu tố cần thiết và có quy trình thực thi ý tưởng hẳn hoi (kế hoạch), thì quay lại kiểm tra 5 yếu tố của Bác Alan chia sẻ lần nữa rồi quyết định có dấn thân hay không.
4* “…Tôi nói đùa những doanh nhân là những người… dốt toán nhất….” Chỗ này quả thực tôi cũng không nắm rõ ý bác Alan lắm, tôi đoán rằng bác muốn tập trung vào ý rằng, nếu ngồi xuống mà tính toán quá nhiều thiệt hơn, để rồi toàn nhìn thấy rủi ro trong kinh doanh, nó sẽ làm chùn bước và ngăn cản chúng ta hành động. Đây chỉ là câu nói đùa, nhưng nếu đọc không kỹ mà lướt qua, nhiều khi chúng ta lại nhầm nhọt sang ý nghĩ “dốt toán mới kinh doanh được” thì tiêu. Chuyện học giỏi toán là một chuyện khác, còn một chuyện tạo ra một hệ thống có tính toán để nó chạy tốt là một chuyện khác, và kinh doanh thì cần những người có tư duy hệ thống tốt, còn chuyện những doanh nhân này có học giỏi toán không thì xét mần chi.
5. “…gần 4 triệu công chức và cán bộ (*)…” - ý này thì các bạn cũng hiểu rồi ha, số lượng đảng viên của mình cũng gần chừng đó (tính chính xác hơn thì là cán bộ nhà nước + nhân lực phòng vệ – quân đội, công an, cảnh sát…. nói chung là những tổ chức nào có chữ “Nhân dân” kèm theo). Số lượng doanh nhân 1 tr, cũng tương đương cứ 80 người thì có một người đứng ra làm chủ (còn chủ của mấy người thì chưa biết, tại cũng có loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn nửa thành viên – chỉ đăng ký giấy phép, chẳng có văn phòng, chỉ có đại diện pháp lý). Ở một đất nước như Việt Nam, nếu chọn con đường làm giàu bằng chính trị phục vụ xã hội (có quyền rồi có tiền) hay là chọn con đường làm giàu bằng kinh doanh phục vụ xã hội thì bác Alan cũng gợi ý rõ ràng rồi ha.
Câu kết luận liên quan phần nhiều đến ý “4 triệu công chức…” này nhiều, để hiểu rõ hơn, thì bạn tham khảo thêm bài “Chỉ số nhận thức tham nhũng” và “Chỉ số tham nhũng toàn cầu 2010“, Việt Nam đứng thứ 116 trên gần 200 nước với điểm số 2,7 (cực thấp, càng thấp thì tham nhũng càng khiếp). Việt Nam cỡ cỡ Lào (111/163 nước), thua xa Trung Quốc (đứng 70), hơn Nga (121/163) theo số liệu điều tra năm 2006.
Tuy vậy, câu kết của Bác Alan vẫn quá hay, “…Mỗi sáng, khi soi gương, bạn sẽ không phải cúi đầu tự hổ thẹn cho mình hay gia đình.”
Cho nên, nếu mỗi ngày bạn quánh răng mà vô tình hoặc cố ý soi gương, nếu cảm thấy hạnh phúc với con đường mình đang chọn, sống một cuộc sống có ý nghĩa, và tất nhiên còn mong muốn thành công nhiều hơn trong tương lai bằng những ước mơ, mục tiêu rõ ràng, thì hãy tiếp tục vững bước, vì dù làm gì đi nữa, mà soi gương mỗi ngày không thấy con quỷ trong đó là hạnh phúc rồi ha.
Alan Phan
No comments:
Post a Comment