Quyết định của Tổng cục Thuế về việc giải quyết khiếu nại của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) số tiền 117 tỷ đồng được nhiều DN quan tâm bởi hiện có khoảng 30 DN khác đang lâm vào tình cảnh này. Truy thu thuế cũng là một trong những vấn đề DN kiến nghị nhiều nhất tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014.
Việc xử phạt vi phạm thuế đối với các doanh nghiệp hạch toán hưởng ưu đãi thuế do niêm yết trong giai đoạn 2004 - 2008 không phải là vấn đề mới mẻ. Trước đó đã có nhiều doanh nghiệp bị truy thu và phạt theo cùng nguyên nhân này. Có thể kể đến S99, CII, BHS, PGC, SCD.SCD...
Rất tiếc cho BMP là công ty đã dự định áp dụng hai hình thức ưu đãi thuế trong giai đoạn 2007-2008 nhưng không được sự cho phép của Cục thuế Tp.HCM. Rất nhiều công ty phải đối mặt với rủi ro chính sách như vậy bởi họ không áp dụng cả 2 ưu đãi thuế trước năm 2009, bao gồm các công ty như PGC, CII, BHS, VLF và S99.
Ai đúng, ai sai?
Năm 2004, BMP được chuyển đổi từ DNNN sang CTCP. Theo quy định của Chính phủ, Công ty được miễn thuế TNDN 2 năm và giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm tiếp theo. Năm 2006, Công ty niêm yết cổ phiếu lần đầu tại HOSE. Theo các công văn của Bộ Tài chính thì Công ty được hưởng thêm ưu đãi giảm 50% thuế TNDN trong 2 năm kể từ ngày niêm yết.
Ngày 21/4/2006, BMP có công văn đề nghị Cục thuế TP HCM hướng dẫn cụ thể thời điểm kê khai hưởng chính sách ưu đãi này. Cục thuế TP HCM đã có công văn trả lời “Trong cùng một thời điểm Công ty chỉ được lựa chọn hưởng 1 chính sách ưu đãi”. BMP sau đó có công văn gửi Tổng cục Thuế đề nghị hướng dẫn kê khai hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp của Công ty.
Ngày 16/8/2006, Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn Công ty đăng ký kê khai với Cục Thuế TP HCM để được hưởng cả hai chính sách ưu đãi thuế TNDN trong năm 2006 và 2007 tổng hợp thành miễn thuế TNDN 2 năm 2006 và 2007. Ngày 30/8/2006 BMP đã gửi công văn đến Cục thuế TP HCM để đăng ký kê khai hưởng các chính sách ưu đãi thuế trong năm 2006, 2007 và 2008.
Ngày 1/2/2007, Cục Thuế TP HCM đã có thông báo gửi các DN hướng dẫn “Đối với các DN niêm yết lần đầu trong năm 2006, trường hợp DN đang trong thời gian được miễn giảm thuế TNDN theo Luật thuế TNDN thì thời gian ưu đãi thuế do niêm yết được xác định như sau: Được giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 2 năm liên tục kể từ khi kết thúc thời hạn miễn giảm thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN” DN lưu ý: trường hợp năm 2006 DN được giảm 50% thuế TNDN theo luật thuế TNDN và giảm 50% do niêm yết chứng khoán thì không xử lý cộng dồn thành 1 năm miễn thuế TNDN trong năm 2006 (như 1 số văn bản đã hướng dẫn). Số thuế TNDN được giảm do niêm yết, giao dịch chứng khoán áp dụng kể từ khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế TNDN”.
Đến thời điểm quyết toán thuế TNDN 2006, Công ty đã thự hiện kê khai giảm 50% số thuế TNDN phải nộp của các năm 2006, 2007, 2008 do ưu đãi cổ phần hóa; Kê khai hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% thuế TNDN phải nộp 2 năm 2009 và 2010 do ưu đãi niêm yết chứng khoán lần đầu.
Thanh tra thực hiện nghĩa vụ thuế thời kỳ năm 2009-2012, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định truy thu BMP 74,9 tỷ đồng do khai giảm 50% ưu đãi niêm yết năm 2009-2010; phạt do chậm nộp thuế và vi phạm hành chính 42,1 tỷ đồng.
BMP sau đó đã tạm nộp 75 tỷ đồng truy thu thuế và khiếu nại tới Tổng cục Thuế. Phán quyết mới nhất của Tổng cục Thuế về việc giữ nguyên quyết định truy thu 75 tỷ đồng, không phạt chậm nộp thuế, được đưa ra dựa trên công văn số 2924 năm 2011 hướng dẫn “Các DN niêm yết chứng khoán lần đầu giai đoạn từ 2004-2006, kể từ năm đầu tiên niêm yết chúng khoán đến hết năm 2008, DN đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế TNDN theo quy định tại Luật thuế TNDN, nhưng đến năm 2008 DN vẫn chưa kê khai hưởng ưu đãi giảm 50% số thuế TNDN phải nộp thì từ năm 2009 DN sẽ không được hưởng ưu đãi giảm 50% số thuế TNDN do có chứng khoán niêm yết lần đầu năm 2004-2006.
Tổng cục Thuế cho rằng đến năm 2008, BMP chưa kê khai hưởng ưu đãi giảm 50% số thuế TNDN phải nộp do có chứng khoán niêm yết lần đầu. Do đó, năm 2009-2010 Công ty không được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế.
Trong trường hợp này văn bản 2924 của Tổng cục Thuế ban hành năm 2011 lại hướng dẫn thời hiệu thực hiện hồi tố cho những năm 2009, 2010; chưa kể đây lại là văn bản hướng dẫn nội bộ trong ngành thuế. Phán quyết của Tổng cục Thuế trong trường hợp này rõ ràng khó khiến cho DN “tâm phục, khẩu phục”.
Con kiến kiện củ khoai
Như vậy, theo quyết định của Tổng cục Thuế, BMP vẫn phải nộp 75 tỷ đồng số tiền truy thu thuế, khoản phạt nộp chậm và vi phạm hành chính 42 tỷ đồng được Tổng cục Thuế bãi bỏ. Tổng cục Thuế cũng nói luôn rằng, trường hợp BMP không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại nói trên, công ty có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Chưa có quyết định có khởi kiện ra tòa án hay không, tuy nhiên, theo một lãnh đạo của DN này, nhiều khả năng Công ty không đưa vụ việc ra tòa.
Đã có những tiền lệ khiến DN e ngại việc khởi kiện chẳng khác nào “con kiến kiện củ khoai”, nhất là mới đây S99, một DN niêm yết trên sàn đã thua kiện Cục Thuế Hà Nội trong một vụ việc tương tự BMP. Đó là chưa kể, DN có thể gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động nếu có “mắc mớ” với cơ quan thuế.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN 2014, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các cơ quan nhà nước thống nhất trong các quy định hướng dẫn DN thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế ngay từ đầu khi ban hành văn bản, tránh trường hợp như hiện nay không thống nhất dẫn đến việc truy thu và phạt DN số tiền lên đến gần trăm tỷ đồng. BMP là DN Việt Nam có thể chấp nhận nộp phạt và không khởi kiện cơ quan thuế ra tòa. Nhưng nếu câu chuyện trên xảy ra với DN nước ngoài, chắc chắn quyết định trên mới chỉ là sự khởi đầu và họ khó có thể cam chịu một môi trường kinh doanh thiếu hợp lý như vậy.
Theo tinnhanhchungkhoan
No comments:
Post a Comment