Đầu tư

Spa changes everything

Capture the moment


Những vụ án của hai nhân vật đình đám Bầu Kiên & Huyền Như làm tôi nhớ đến một nhân vật đình đám trong làng đầu cơ thế giới đó là Nick Leeson (Barings bank)

Chỉ trong vòng có một tuần lễ, Nicolas Leeson, một nhân viên ngân hàng Barings đã làm tiêu tan trong mây khói gần 1 tỷ euros, bằng số tiền mà ngân hàng này tích luỹ hàng năm trong suốt gần 250 năm thành lập đến nay. Sự kiện này đã gây chấn động hệ thống ngân hàng nước Anh vì Barings là một ngân hàng danh tiếng và rất có uy tín tại Anh. Nhiều cuộc phân tích sự việc đã được tiến hành để tìm ra các bài học kinh nghiệm cho hoạt động kinh doanh ngân hàng ở châu Âu.
Lúc đó, Peter Barings, 59 tuổi, thế chân người anh ruột nắm cương vị giám đốc Ngân hàng Baring, đang rất thành công trên thị trường tài chính ngân hàng châu Âu. Cũng năm đó, Nicolas Leeson được bổ nhiệm phụ trách Chi nhánh của Barings tại Singapore, một vị trí được đánh giá là cũng rất quan trọng. Điều trái ngược trong đợt bổ nhiệm này là Peter Baring tốt nghiệp ở trường Eton, một trường chỉ dành riêng con nhà giàu; còn Nicolas Leeson mặc dù tốt nghiệp ở Cambridge nhưng đã từng trượt phổ thông tại một trường trung học ngoại ô London và “dốt đặc” về môn toán như mọi người thường nói. Thế nhưng, vào giữa thập kỷ 90, chính một mình Nicolas Leeson lại thu về 30% tổng số lợi nhuận của ngân hàng Barings. Điều này lúc đó được đánh giá là một nỗ lực phi thường!
Với ngân hàng Barings, kinh doanh theo lối cũ chưa bao giờ đem lại được số lợi nhuận lớn như vậy. Và lúc đó, nhân viên ngân hàng Nicolas Leeson hoạt động trên thị trường phái sinh có thể bán lại với giá cao hơn 200 lần. Thị trường này cũng được đánh giá là rất nhiều rủi ro, được ví như những cuộc đua ôtô công thức I đầy rẫy những tai nạn trên đường đua. Chính bản thân Peter Barings đã phải thốt ra: “Thị trường mới này cần được kiểm tra và làm chủ, đó là điều chúng tôi đang làm ở đây”. Tuy nhiên, trên thực tế Barings ở London nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho Nicolas Leeson muốn làm gì thì làm. Nicolas Leeson nắm cả khâu kinh doanh lẫn khâu kiểm soát, thật là một điều hiếm thấy trong kinh doanh ngân hàng. Tại Singapore, Nicolas Leeson thực sự là một ngôi sao, mọi nhà kinh doanh ngân hàng đều thán phục Nicolas Leeson và giành giật nhau vinh hạnh được thân quen với anh ở quán rượu Harry, nơi mọi người thường được mời đến uống một ly nhỏ sau giờ đóng cửa thị trường chứng khoán.
Nicolas Leeson thường vừa cười vừa nói với mọi người rằng: “Có lẽ tôi sắp phải nghỉ hưu”. Năm đó, Nicolas Leeson đã được lĩnh tới 4 triệu USD kể cả tiền thưởng. Thế nhưng Nicolas Leeson chẳng có vẻ kiêu ngạo; vốn xuất thân từ con trai một công nhân trát thạch cao ở Kent, Nicolas Leeson thường thích vui đùa với bạn bè hơn là thi cử. Điều xa hoa duy nhất mà Nicolas Leeson có thể tìm được là chiếc đồng hồ Rolex và bộ comlê hiệu Armani. Ở Singapore, ngày nào cũng vậy, Nicolas Leeson ngồi trước máy tính từ 8 giờ sáng, có khi cả buổi tối nữa sau khi ăn uống rất đạm bạc cùng vợ Lisa cũng là nhân viên ngân hàng Barings. Hai người sống với nhau trong một căn hộ tiện nghi ở Angula View, với giá thuê là 7000 euros một tháng do ngân hàng Barings trả.
Sự việc bắt đầu tồi tệ sau vụ động đất ở Nhật Bản. Chỉ số chứng khoán Nikkei tại Nhật Bản (tương tự chỉ số Dow Jones) bất ngờ sụt thấp trong khi Nicolas Leeson lại đặt cược là lên. Lẽ ra phải dừng ngay lại, Nicolas Leeson vẫn tiếp tục mua vào các hợp đồng, mỗi hợp đồng lên đến 180 nghìn bảng Anh khiến tổng số tiền tung ra lên tới 21 triệu euros. Cách làm này của Nicolas Leeson chẳng khác gì hành động của một con bạc đang khát nước. Nicolas Leeson đặt hết tiền vào con bài đỏ thì nó lại về con bài đen.

Một ngày sau đó, Peter Barings bị chuông điện thoại réo vang đánh thức. Từ đầu dây bên kia người ta báo là Nicolas Leeson đã biến mất. Cùng ngày hôm đó, ban giám đốc Barings đã họp khẩn cấp. Bước đầu, các chuyên gia của Barings ước tính ngân hàng bị thua lỗ khoản 800 triệu euros. Đến cuối ngày thì con số này tăng lên gấp đôi.
Peter Barings vội vã tìm cách liên lạc với Thống đốc ngân hàng Anh, Eddir George, người đang đi trượt tuyết vào dịp nghỉ cuối tuần ở Avoriaz. Eddie George đang chuẩn bị đi ra khỏi nhà thì có điện thoại. Nghe qua sự việc, ông quyết định bỏ ngay buổi trượt tuyết để về Geneve đón ngay chuyến bay đầu tiên đi London. Vừa về đến nơi, ông vội nghe ngân hàng Barings trực tiếp trình bày sự việc. Theo tờ Financial Times, một cuộc họp được triệu tập với sự có mặt của đại diện các ngân hàng và thống đốc Ngân hàng Anh Eddie George. Peter Barings báo cáo hành động của Nicolas Leeson, “ám chỉ” một âm mưu phá hoại và yêu cầu “phải tái tích luỹ vốn cho Barings”. Đáp lại đề nghị của ông là sự im lặng. Một số người đã biết tịnh trạng nguy kịch của Barings Singapore từ trước đó nhiều tháng và họ đã trả lời giám đốc Barings một cách lạnh nhạt: “Chúng tôi phải tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị”. Nói một cách khác là từ chối. Thống đốc Ngân hàng Anh tìm hiểu và phân tích tình hình xung quanh. Peter Barings chờ đợi Eddie George “ra tay cứu giúp”. Còn nhớ hồi cuối những năm 1980, Ngân hàng quốc gia Anh đã giúp đỡ Barings sau vụ nước sôi lửa bỏng tài chính? Nhưng vị Thống đốc lần này im lặng. Eddie George biết rằng Ngân hàng Barings chưa phải là tầm cỡ mà sự suy sụp của ngân hàng có thể đe dọa toàn bộ hệ thống ngân hàng Anh. Eddie hẹn họp lại vào hôm sau. Peter Baring liên lạc với các bạn bè trong giới báo chí tố cáo Nicolas Leeson là tên cướp ngân hàng. Những nhân viên ngân hàng Barings liên tục yêu cầu tìm Nicolas Leeson về để hỏi tội. Nhiều người còn cho biết nữ hoàng Anh Elizabeth cũng bị thiệt hại gần 500.000 euros trong vụ này tại Barings.
Còn Leeson được công bố đã chạy trốn, sau khi để lại một tờ fax có nội dung “rất lấy làm phiền lòng”. Interpol cũng chỉ thu được những thông tin nghèo nàn về tung tích của Leeson. Theo Interpol, hình như Leeson đã vội vã lên một chiếc xe Porsche để đến chỗ chiếc tàu thuỷ của anh ta. Thực tế thì Leeson đã cùng vợ rời khỏi Singapore. Trong lúc đợi taxi, vợ của Leeson còn trả cho người giúp việc nội trợ 350 USD tiền công.
Chiến dịch che dấu sự thật ở Ngân hàng Barings vẫn tiếp tục được tiến hành. Vào thời gian ở London đang diễn ra cuộc họp thứ hai tại trụ sở Ngân hàng Barings, Peter Barings đề nghị nhường chức chủ tịch Ngân hàng Barings cho ai đó có thể cứu giúp. Nhưng giờ đây cái chức vụ này chẳng còn đáng giá lắm, nên không ai dám liều lĩnh. May sao đến cuối buổi họp, Peter Barings lại rút lui ý kiến. Tất cả mọi người lại vào phòng kín họp tiếp. Đúng là ngày tận số của Ngân hàng Barings đã điểm. Thống đốc Ngân hàng Anh từ chối ký séc cho Barings vay.
Sau đó vài ngày, các báo công bố kết quả kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Barings cho thấy tình trạng nguy hiểm do hậu quả các hoạt đông ngân hàng mà Leeson gây ra ở Singapore. Peter Barings cố gắng không bình luận gì về bản báo cáo này. Peter còn phải giữ thể diện và danh tiếng. Tờ Financial Times công bố tình trạng tài chính của Chi nhánh Ngân hàng Barings ở Singapore, theo đó có ngày chi nhánh này đã lỗ gần 100 triệu euros. Theo ý kiến của nhiều người, các máy tính ở các chi nhánh Ngân hàng Barings đều được nối với Trung tâm ở. Rõ ràng Peter Barings phải là một trong số những người chỉ đạo thiếu tỉnh táo các hoạt động ngân hàng ở Singapore.
Sau đó một tháng, Deustche Bank đã đề nghị mua lại Barings với giá 1 tỷ bảng Anh. Đến lúc này, chẳng còn cần đề cập đến vấn đề này với ai hết.
Trong thời gian này, hai vợ chồng Leeson đang sống những giờ phút tuyệt diệu bên bể bơi của một khách sạn sang trọng tại Malaysia. Họ thuê buồng số 428 với giá 400 euros một ngày. Điều rất ngạc nhiên là Leeson, người mà cảnh sát toàn thế giới truy tìm, vẫn thuê buồng dưới cái tên thật của mình.
Khi ở khách sạn, Leeson đã đọc lướt qua một tờ báo địa phương viết về vụ phá sản của Ngân hàng Barings, Leeson muốn trở về London trong thời gian sớm nhất. Leeson quyết định đi chuyến bay đầu tiên về Châu âu, đó là chuyến 454 về Franfurt, Đức. Trong lúc xếp hành lý, Leeson còn gọi điện thoại cho một người bạn và nói: “Người ta đã để cho tôi đánh bạc và bây giờ lại muốn để mình tôi phải chịu trách nhiệm sao”. Sáng hôm sau, chuyến bay chở hai vợ chồng Leeson hạ cánh ở Frankfurt, Đức. Cảnh sát ở đây đã được báo trước sau khi nhân viên bán vé cho Leeson phát hiện ra anh. Đầu đội chiếc mũ chơi bóng chày, trên tay cầm quyển truyện trinh thám, Leeson bước xuống máy bay với một vẻ thanh thản. Leeson nói ngắn gọn với cảnh sát đứng đó: “Tôi là người mà các ông đang truy tìm”. Người ta nói rằng anh đã khai với các nhà chức trách Đức hầu hết sự thật. Đủ đến mức dù bị giam ở Frankfurt, Leeson vẫn nhận được nhiều đề nghị ký hợp đồng làm việc của những ngân hàng quốc tế lớn nhất.
Barings chỉ là một trong vô số những vụ bê bối tài chính của các ngân hàng trên thế giới. Lòng tin của người tiêu dùng vào ngân hàng giảm thì các ngân hàng cũng khó có thể tồn tại được. Mặc dù chịu sức ép rất lớn trong việc cải tổ, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới vẫn rất “ung dung” coi mình đang “ngồi chiếu trên” với số lượng tài sản khổng lồ. Điều này thật là nguy hiểm, bởi có lẽ nhiều người cũng biết rằng Barings đã là một trong những ngân hàng lớn nhất nước Anh nhưng khi lâm vào tình trạng nguy kịch thì “cây đại thụ” này cũng sụp đổ rất nhanh.
Xu hướng của các ngân hàng trên thế giới hiện nay đang là mở rộng kinh doanh ra phạm vi toàn cầu. Nhiều tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới đã chuyển công việc sang Đông Âu, Ấn Độ hay Trung Quốc và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, đó là thiểu số còn đối với các ngân hàng nói chung thì chuyện này không phải dễ dàng bởi đặc thù tiền tệ vốn có của mình. Các ngân hàng thường kinh doanh tại những đô thị lớn và phát triển. Việc chuyển hoạt động kinh doanh đến những nơi khác thì quả thật là rất mạo hiểm mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải chấp nhận. Và bài học từ Barings Bank là minh chứng rõ nhất của sự mạo hiểm để chuyển một phần hoạt động kinh doanh của mình ra nước ngoài. Theo đánh giá của giới phân tích thì việc này có thể ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng của toàn quốc gia, sự kiểm soát các hoạt động tài chính sẽ khó khăn hơn nhiều. Không những thế độ rủi ro tài chính của các ngân hàng tăng cao và quản lý nhà nước đối với các ngân hàng sẽ không thể thực hiện được, đơn giản bởi các cơ quan chức năng của Anh không thể nào can thiệp vào công việc làm ăn của các công ty Singapore hay của các quốc gia khác.
Từ Barings, nhiều ngân hàng khác cần thấy rằng sẽ rất mạo hiểm nếu chỉ vì những lợi ích trước mắt để chuyển bớt hoạt động kinh doanh của mình ra nước ngoài. Điều này tuy nhiều doanh nghiệp đã thực hiện rất thành công nhưng đối với các ngân hàng thì cần phải xem xét kỹ lưỡng bởi xuất phát từ chính hoạt động kinh doanh tiền tệ của mình, ngân hàng cần có những chiến lược cẩn trọng để hạn chế tối đa mọi rủi ro trong kinh doanh.
Dù sao thì cơ quan chức năng ở Singapore cũng tố cáo Leeson có mở tài khoản giả mang số 88888 để giấu gần 100 triệu euors là một phần khoản tiền thất thoát của Ngân hàng Barings, mã số của tài khoản này thật buồn cười vì con số 8 vẫn được giới doanh nhân châu Á cho là con số may mắn. Singapore đã đòi dẫn độ Leeson, còn London không thấy lên tiếng gì cả. Và những bài học trong vụ phá sản này vẫn còn dai dẳng cho đến ngày hôm nay đối với nhiều ngân hàng trên toàn thế giới.
Nguồn: bwportal

Thế giới từng biết đến Nick Leeson như một tên lường gạt quốc tế từng làm biến mất khỏi các trương mục của ngân hàng Queen's Bank, Barings một số tiền lên đến 2.28 tỷ đô la khiến cho ngân hàng này vỡ nợ. Sau khi bị bắt anh ta đã sống sót trong nhà tù ở Singapore cho đến ngày được trả tự do và lại còn vuợt qua được cả cơn bạo bệnh ung thư. Tuy nhiên dù đã vượt qua được mọi nghịch cảnh trong cuộc đời, Nick Leeson dường như không qua được cơn khủng hoảng lớn nhất trong đời anh ta. Đó là việc người vợ yêu quý của anh ta nay đã trao gửi con tim của mình cho một người đàn ông khác.

Tháng hai năm 1995 Nick Leeson trốn từ Singapore sang Mã lai trong khi ngân hàng Barings phá sản vì bàn tay phù phép của anh ta ta. Bị bắt tại Fankfurt, Nick Leeson bị giam tại đây chín tháng trước khi bị dẫn độ về lại Singapore để ra tòa. Hắn bị tòa án Singapore kết án sáu năm rưỡi tù giam tại nhà tù Tanah Merah. Tháng bảy vừa qua Nick Leeson đã được trả tự do sớm hơn hai năm so với hạn tù. Trong tù anh ta bị ung thư đại tràng nhưng các bác sĩ của nhà lao đã không chẩn đoán được bệnh ung thư của anh ta . Tuy nhiên điều làm cho Nick Leeson thực sự khủng hoảng là trước khi được ra tù, vợ anh ta đã đem lòng yêu một người đàn ông khác và một mình ra tòa ly dị Nick Leeson.
Giờ đây 14 tháng sau khi ra tù, căn bệnh ung thư đại tràng của Nick Leeson có cơ may hồi phục hoàn toàn và anh ta đang làm việc hết mình như là một nhân viên từ thiện. Đầu năm nay Nick Leeson đã tham gia chạy việt dã để gây quỹ được số tiền lên đến 52 ngàn đô la cho cơ quan Colon Cancer Conceern và cơ quan Lynda Jackson Macmillan Centre ở Luân đôn. Chính trung tâm này đã từng điều trị một chứng ung thư bất trị của cha anh ta trước đây. Ngoài công việc từ thiện, nguồn thu nhập chính của Nick Leeson là những cuộc hội thảo về doanh nghiệp, các chuyến đi ngoại quốc để làm cuốn phim về chính cuộc đời anh ta có tên là Rogue Trader, những cuộc diễn thuyết, những hợp đồng làm phim truyền hình do chính anh ta làm nhân vật chính.
Thu nhập của Leeson hiện nay lên đến 2.63 triệu đô la mỗi năm tuy nhiên một nữa số tiền này được trừ vào trương mục của ngân hàng Barings để trả dần số tiền mà anh ta đã làm thất thoát của ngân hàng này.
Việc những tên tội phạm lường gạt bán trời không văn tự trên thế giới sau đó đã trở thành những người nổi tiếng và giàu có như trường hợp của Nick Leeson không phải hiếm. Hiện nay Nick Leeson thường xuyên được các công ty lớn, các đại ngân hàng của thế giới, các tổ chức tài chánh đa quốc mời đến để hỏi ý kiến của anh ta về hệ thống điều hành, về cung cách quản lý và những chiến lược đầu tư làm ăn lớn. Với kinh nghiệm trong ngành tài chính và khả năng lợi dụng như sơ hở để trục lợi và làm ăn bất chính của Nick Leeson đã khiến cho anh ta trở thành một chuyên gia bậc thầy trong lĩnh vực chống lại những âm mưu lường gạt trong lĩnh vực kinh tế tài chính.
Khi nói về quá khứ của mình Nick Leeson cho biết anh ta vô cùng hối hận về những gì mình đã làm. Tuy nhiên với bản án tù và những khổ nạn về tinh thần và tai tiếng đã từng trãi qua, Nick Leeson cho rằng mình đã đền bù xứng đáng cho những tội lỗi của mình và từ nay thôi không tiếp tục sống với những mặc cảm của quá khứ nữa.
Là một khuôn mặt từng xuất hiện trên trang nhất của những tờ báo lớn nhất thế giới khi ngân hàng Barings sụp đổ, Nick Leeson là một người đàn ông bị hói đầu từ khi còn rất trẻ, nói giọng Anh của người phía bắc Luân đôn. Cho dù người ta có nói về Nick Leeson như thế nào đi nữa thì ai cũng phải công nhận rằng Leeson là một chuyên gia kinh tế tài chính ngoại hạng với những tư duy kinh tế xuất sắc mà không phải ai cũng có được. Nick Leeson thường nói về chính mình như sau:"Tôi không ba hoa khoác lác, tôi không hề tự cao tự đại. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định rằng nếu bạn và tôi được giao cho cùng làm một công việc như nhau trong một ngân hàng,thì tôi bao giờ cũng có những phân tích sắc bén hơn bạn, hoàn thành công việc tốt đẹp hơn bạn và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng nhiều hơn bạn. Phải chăng thừa nhận điều đó được xem là tự cao tự đại và ba hoa khoác lác hay sao?" Chính tài ba khó có thể phủ nhận đó của Nick Leeson đã biến anh ta từ một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo khó ở Anh trở thành một trong những tay tổ phù phép kinh tế lừng danh nhất của thế kỷ 20.
Nguồn động viên lớn nhất trong cuộc đời của Nick Leeson chính là người mẹ của anh ta, đã chết vì bệnh ung thư phổi khi Nick Leeson vừa được 20 tuổi. Là đứa con thông minh nhất và được yêu mến nhất trong một gia đình bốn anh em, Nick Leeson là một học sinh xuất sắc và cũng là một cầu thủ bóng đá tài hoa. Tại trường trung học Warford Grammar School, Nick Leeson đã thi hỏng môn toán vào kỳ thi cuối cùng vì đã nghỉ học quá nhiều với môn học này. Tuy nhiên sau đó bằng mọi nổ lực Nick Leeson đã xin vào làm thư ký cho ngân hàng Coutts Bank. Vào thời điểm được ngân hàng Barings tuyển mộ, Nick Leeson đã lập được những thành tích xuất sắc khiến tạo cho mình được một tiếng tăm vững vàng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Năm lên 25 tuổi Nick Leeson đến làm việc cho công ty hối đoái Simex và đồng thời cưới Lisa Sims một cô gái bình dân ở Kent làm vợ khi cô này đang làm việc cho ngân hàng Barings tại Jakarta. Một thời gian sau Nick Leeson thành lập trương mục Error Account 88888 để che dấu những thất thoát gây ra bởi các nhân viên của ngân hàng và vài năm sau đó hàng triệu bảng Anh đã theo nhau biến mất vào trong cái trương mục phù phép này. Tuy nhiên các chủ nhân của ngân hàng Barings lại tin rằng Nick Leeson là một thiên tài có khả năng khôi phục lại những thất thoát đó trong một thời gian ngắn. Thật ra giới chủ nhân ngân hàng đã giả vờ nhắm mắt làm ngơ để Nick Leeson dùng tài sản của ngân hàng mua bán thị trường chứng khoán để hy vọng lấy lại được những thất thoát lớn về tài chính mà ngân hàng đang chịu.
Cuối cùng khi biết trò chơi của mình đã thất bại Nick Leeson cùng vợ là Lisa bỏ trốn. Bị bắt và bị kết án tù, Nick Leeson biết mình bị vợ bỏ và sau đó phát hiện anh ta bị ung thư đại tràng.
Lisa vợ của Nick Leeson đã bỏ người chồng thất bại để lấy một đồng nghiệp của Nick Leeson là Keith Horlock, cũng là một tay mua bán thị trường chứng khoán. Nick Leeson cho biết Lisa là bạn thân, là tình nhân và là người vợ yêu quý nhất của anh ta. Dù không hận Lisa và Keith Nick Leeson cho rằng nếu cả hai làm điều gì tồi tệ đối với anh ta, anh ta sẽ trả thù xứng đáng. Trước mắt Nick Leeson chỉ cầu mong sao cho Lisa cảm thấy thực sự hạnh phúc với người chồng mới là Keith Horlock.
Tuy nhiên Lisa không phải là một người đàn bà thiếu thủy chung, mà chỉ là một người phụ nữ yếu đuối không thể chịu đựng hơn nữa cuộc chơi gây cấn của Nick Leeson. Nàng đã từng sống chầu chực trong nhà tù Đức nơi Nick Leeson bị giam, ngũ trên những tấm nệm dơ dáy, dùng khăn tay bịt mũi để chống lại những mùi hôi hám của nhà thù. Nàng cũng phải làm đủ mọi nghề để kiếm tiền mua vé máy bay đi về với những phiên tòa của Nick Leeson. Cuối cùng nàng tìm được việc làm với công ty hàng không Virgin và được hưởng vé rẻ khi bay đến Singapore với Nick. Lisa chỉ thực sự cảm thấy hoàn toàn thất vọng về Nick Leeson khi báo chí phanh phui toàn bộ những âm mưu lừa bịp khốn nạn của Nick và việc cuốn phim Rogue Trader đã đưa lên màn ảnh những điều rất riêng tư của Lisa và Nick Leeson trong đời sống hôn nhân.
Nick Leeson dường như đã chiến thắng mọi nghịch cảnh của cuộc đời và tiếp tục vươn lên một cách tự hào. Tuy nhiên những cay đắng và dằn vặt khi nói về Lisa có thể làm người ta nhận thấy rằng Lisa là một mặt trận mà Nick Leeson là một kẻ chiến bại não nề. Hiện nay khi đã có một người tình mới, sự thất bại đó phản ánh quan điểm đa nghi của Nick Leeson về đàn bà và tình yêu. Nick Leeson luôn cố gắng giữ một khoảng cách nhất định giữa mình và người bạn gái mới.Theo Leeson thì trong quan hệ nam nữ, rất thường khi người đàn ông hy sinh mình cho người tình. Tuy nhiên Nick cho rằng sau khi ra tù, anh ta không phải là loại đàn ông như thế. Một tuần Nick Leeson chỉ sống một hai hai đêm với tình nhân và cho thế là đã quá nhiều đối với anh ta.
Dù có quan hệ thân thiết với ba anh chị em còn lại, Nick Leeson cho biết anh ta rất xa cách với bố. Leeson cho biết thậm chí anh ta còn gần gũi với mẹ của Lisa là Patsy hơn là đối với cha ruột của mình. Có thể đây là một trong những khía cạnh nổi loạn chính trong nhân cách của Nick Leeson. Nick Leeson rất gần gũi và rất thương mẹ của anh ta. Bà mẹ này vẫn thường xuyên mơ ước rằng ngày kia đứa con trai thông minh của mình sẽ trở thành một nhà khoa bảng tiếng tăm và giàu có. Vì thế khi Nick Leeson quyết định trở thành một viên chức thư ký tầm thường của nhà băng, bà mẹ trên giường chết vô cùng thất vọng.
Tuy nhiên không có ai có thể nhìn thấy tài năng của Nick Leeson bằng chính bản thân anh ta. Nick Leeson hiểu rõ tham vọng của mình và biết nơi nào chính là chiến trường chính của anh ta. Nick Leeson không thể trở thành một nhà khoa bảng vì lòng tham lam về tiền bạc của anh ta quá lớn đến nổi anh ta không thể ngồi yên trên ghế nhà trường để nhìn thấy những kẻ khác sống xa hoa trong nhung lụa. Nick Leeson không thể trở thành một con người đáng kính trọng được vì tài năng của anh ta là một thứ tài năng bá đạo chỉ biểu lộ hoàn toàn trong lĩnh vực gian trá và lừa đảo.
Điều kỳ quặc tưởng như không thể có được vẫn tồn tại. Đó là những tài năng tột đỉnh về tội ác cũng có thể được coi là những yếu tố quý giá của xã hội. Những tay tội phạm gian hùng này khi được sử dụng, có thể giúp xã hội ngăn chận những tội ác khác và vạch mặt những tay tội phạm gian hùng khác. Đó chính là trường hợp của Nick Leeson và của nhiều tên đạo tặc khác.Tuy nhiên dùng Nick Leeson cũng giống như dùng dao hai lưỡi và cho dù như thế nào đi nữa, Nick Leeson đã tự đặt mình vào phía bên kia chiến tuyến của luật pháp.
(Sưu tầm)

No comments:

Post a Comment