Đầu tư

Spa changes everything

Capture the moment


Trong những ngày gần đây, các lãnh đạo của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Haminco (KSS) lần lượt được nhận các thông báo về việc bắt khẩn cấp với tội danh làm giả con dấu của cơ quan tổ chức. Vậy với việc Kế toán trưởng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ được nhận tráp hầu toà thì họ đã và đang làm gì với sổ sách tài chính của mình? Thử chạy qua các con số của KSS dựa trên báo cáo kiểm toán của họ trong các năm từ 2007 đến 2014.
Cuộc chơi thứ nhất: Niêm yết cổ phiếu
Năm 2009, thị trường xuất hiện các doanh nghiệp liên quan đến ngành khoáng sản đăng ký niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, và “sóng” của các cổ phiếu khoáng sản đã mang lại rất nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn cho các nhà đầu tư cổ phiếu thích lướt sóng các cổ phiếu có sức tăng nóng. KSS không phải là một ngoại lệ.
Năm 2007 và 2008, theo các thông tin tài chính trên bản cáo bạch, dường như KSS không phải là một công ty đầy hấp dẫn, doanh thu năm chỉ vẻn vẹn 11 tỷ đồng năm 2007 và tăng lên 25 tỷ đồng vào năm 2008 với mức vốn chủ sở hữu là 25 tỷ năm 2007 và 34,5 tỷ năm 2008. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt tỷ lệ lần lượt là 3% và 5% trên vốn góp cho năm 2007 và 2008.
Năm 2009, công ty quyết định niêm yết cổ phiếu của mình vào cuối năm và dường như đây là một năm khởi sắc của KSS với việc doanh thu năm 2009 đạt được là 191 tỷ (tăng gần gấp 8 lần so với năm trước đó) và vốn cũng đã được tăng lên 118 tỷ đồng. Mức lợi nhuận ấn tượng của năm 2009 với lợi nhuận sau thuế đạt trên 30 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với năm liền kề và đạt mức EPS là gần 2.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu của KSS được niêm yết vào ngày 4 tháng 1 năm 2010 với mức giá khởi điểm là 60.000 đồng/cổ phiếu, gấp 6 lần mệnh giá và nhà đầu tư đầy kỳ vọng vào cổ phiếu này sẽ trở thành một hiện tượng của sàn chứng khoán.
Về số liệu tài chính, năm 2009 doanh thu đạt 191 tỷ đồng nhưng phải thu người bán lên mức 110 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ có 13 tỷ. Hơn một nửa doanh thu là bán hàng chịu nhưng chỉ số về tuổi nợ vẫn tốt hơn rất nhiều so với 2 năm liền kề. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ đẹp của báo cáo tài chính công ty niêm yết.
Cuộc chơi thứ hai: Lãi khủng trong năm đầu tiên niêm yết, phát hành tăng vốn và đẩy giá chứng khoán
Năm 2010 chứng kiến doanh thu vượt bậc của KSS và đẩy giá cổ phiếu lên mức giá đỉnh điểm là gần 90.000 đồng/cổ phiếu với những thông tin về lợi nhuận khả quan của KSS trong năm 2010 cũng như kế hoạch tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu khi giá niên yết đang ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt các thông tin tài chính tốt về tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận được công bố trong năm 2010. Doanh thu năm 2010 tiếp nối thành công của 2009 với mức tăng ấn tượng gần 300% và lợi nhuận sau thuế được duy trì mức ổn định so với năm 2009 là 25% trên vốn chủ sở hữu. Công ty thành công trong việc phát hành thêm cổ phiếu, tăng gấp 3 lần doanh thu, tăng gấp 2 lần lợi nhuận sau thuế và giữ mức giá của cổ phiếu KSS sau khi phát hành ở mức gần 30.000đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2010.
Cuộc chơi thứ ba: Vi phạm công bố thông tin, kinh doanh sụt giảm, quý đầu tiên thua lỗ và bán chui cổ phiếu
Năm 2011, hàng loạt vi phạm công bố thông tin về báo cáo tài chính, giao dịch cổ phiếu của cổ đông có liên quan, chủ tich HĐQT đăng ký mua cổ phiếu khủng nhưng “không mua được” liên tục diễn ra với KSS. Người có liên quan của Chủ tịch HĐQT bị phạt vì các hành vi mua bán cổ phiếu không công bố thông tin. Cổ phiếu KSS liên tục giảm sàn nhiều phiên trong những tháng cuối năm 2011 và đến cuối năm 2011, mức giá của KSS chỉ còn là 6.600 đồng/cổ phiếu, giảm 5 lần so với mức giá đóng cửa năm 2010. Điều gì đến cũng đã đến, báo cáo quý 4 năm 2011 được công bố vào tháng 1 năm 2012 với một con số lỗ khủng. Lãi gộp giảm xuống còn 11%, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ còn ở mức 2,6%, tương đương với mức trước niêm yết của Công ty. Các chỉ số về tuổi khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh so với 2010, tình hình kinh doanh bắt đầu gặp khó khăn.
Chậm nộp báo cáo hợp nhất và báo cáo kiểm toán 2011, xin gia hạn nộp báo cáo cũng như bị Sở giao dịch phản ánh chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2011 khiến cho giá cổ phiếu của KSS biến động mạnh, có những thời điểm cố phiếu của KSS tăng trần liên tục trong hơn 10 phiên của tháng 4 năm 2012, khi báo cáo kiểm toán chưa được phát hành theo quy định.
Là Chủ tịch HĐQT và TGĐ nhưng ông Dĩnh không hề công bố giao dịch của mình về việc mua bán cổ phiếu trong giai đoạn từ 14/03/2012 đến 03/07/2012 với số lượng mua lên đến hơn 1 triệu cổ phiếu. Sự minh bạch và tính tuân thủ của lãnh đạo KSS dường như đang có vấn đề và khiến cho UBCK phải có những quyết định hành chính về công bố thông tin.
Bản thân KSS cũng bị phạt vì các hành vi như không tổ chức đại hội cổ đông năm 2012 theo quy định, không công bố báo cáo tài chính quý 1/2012, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị cũng như nghị quyết của đại hội cổ đông năm 2011.
Năm 2011, 2012 tuy KSS vẫn có lợi nhuận sau thuế nhưng con số này chỉ còn là vài tỷ đồng so với mức vốn gần 250 tỷ của mình. Giá cổ phiếu biến động, cổ đông thực hiện mua bán chui và công ty dường như không minh bạch trong công bố thông tin.

Cuộc chơi thứ tư: Ứng trước cho người bán, phải thu và tình hình thanh khoản
Trong giai đoạn 2012-2014, báo cáo tài chính của KSS xuất hiện các khoản mục ứng trước người bán, phải thu khách hàng, hàng tồn kho đột biến tăng so với doanh thu và giá vốn hàng bán:

 Triệu đồng         2,012        2,013        2,014
 Doanh thu     442,248    246,897    329,464
 Phải thu     260,478    268,170    418,314
 Ứng trước cho người bán     278,955    445,093    439,861
 Giá vốn     362,738    144,686    234,386
 Hàng tồn kho     337,800    553,535    600,865

Phải thu của người mua tăng mạnh năm 2013 và 2014 so với mức doanh thu có được của 2013 và 2014, điều này cho thấy khả năng thu hồi của các khoản phải thu này đang rất có vấn đề, tuổi nợ bình quân của khoản phải thu năm 2013 và 2014 lên đến trên 380 ngày (hơn 1 năm). Tuy nhiên trong báo cáo tài chính được kiểm toán không thấy xuất hiện các khoản mục liên quan đến dự phòng phải thu khó đòi, điều này có thể gây băn khoăn cho các nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính của KSS.
Ứng trước cho người bán tăng mạnh trong năm 2012 từ mức 40 tỷ năm 2011 lên đến 279 tỷ năm 2012 và lên đến 445 tỷ trong năm 2013 trong khi doanh thu và giá vốn sụt giảm trong năm 2013 và 2014. Dường như KSS đang ứng trước tiền mua hàng cho người bán khá nhiều để nhằm tích luỹ hàng tồn kho. Không hề có một thuyết minh nào về các khoản mục ứng trước cho người bán này. Điều đáng quan tâm là các khoản ứng trước này đang được tài trợ bởi vốn vay ngân hàng với sự tài trợ chính từ phía ngân hàng BIDV – Chi nhánh Bắc Kạn:
Triệu đồng201220132014
Vay nợ ngắn hạn601,503912,211587,704
Vay nợ dài hạn74,71079,393552,143
Mức hàng tồn kho của KSS cuối năm 2014 tương đương với gần bằng 3 lần giá vốn hàng bán trong năm 2014 điều này có thể thấy việc hàng tồn kho đang gặp vấn đề trong khâu tiêu thụ và đặc biệt về vấn đề kinh doanh của KSS khi tình hình kinh doanh đi xuống nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chủ động mua thêm hàng hoá nhập kho và vay tiền ngân hàng để trả trước cho người bán. Về bản chất, việc trả trước cho người bán chỉ được ghi nhận hạch toán khi hàng hoá chưa về vậy với giá trị trả trước cho người bán lớn như vậy, KSS đang vay tiền của BIDV để mua cái gì hay để xây cái gì trong khi các khoản mục báo cáo tài chính khác trong năm 2013 và 2014 không hề có biến động nhiều. Không có thuyết minh nào về các khoản mục ứng trước cho người bán này trên báo cáo được kiểm toán.
Chi phí phải trả tại thời điểm 2014 là 152 tỷ đồng, đây là chi phí lãi vay công ty phải trả, tuy nhiên tổng chi phí lãi vay của KSS năm 2014 chỉ là 89 tỷ năm 2014 và 81 tỷ của năm 2013. Dường như công ty không trả nổi lãi vay của ngân hàng, năm 2014 công ty chỉ trả 1,4 tỷ đồng tiền lãi vay và trả 40 tỷ đồng lãi vay trong năm 2013 theo thuyết minh báo cáo tài chính được kiểm toán. Không có một ý kiến nhấn mạnh nào về việc không có khả năng hoàn trả lãi vay cũng như rủi ro về thanh khoản của KSS trên báo cáo kiểm toán của KSS.
Có thể thấy rủi ro của BIDV trong KSS có thể lên đến khoảng 1,200 tỷ đồng bao gồm 1,039 tỷ gốc vay và 150 tỷ lãi vay chưa trả.
Kết luận: 
Việc đưa ra các quyết định bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT kiêm TGD, Kế toán trưởng của KSS dường như có sự tham gia bảo vệ quyền lợi của BIDV, tuy nhiên, với những con số được chế biến ở trên, khả năng thu hồi của BIDV sẽ rất mơ hồ và câu chuyện sẽ tiếp diễn khi chúng ta biết được KSS đang làm cái gì với số liệu tài chính, giấy tờ và hợp đồng mua bán của mình. Liệu BIDV có thể xác định được khả năng thu hồi vốn của mình từ các khoản phải thu và hàng tồn kho hay không? Liệu với tội danh làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức, có phải là việc lãnh đạo của KSS đang thổi phồng giá trị của các khoản Ứng trước cho người bán, hàng tồn kho để vay vốn từ BIDV hay không? Chờ thông tin thêm của phía công an trong việc điều tra vấn đề này. Tuy nhiên, người thiệt đầu tiên sẽ là BIDV, cổ đông.

Sưu tâm (Tháng 6/2015)

No comments:

Post a Comment