Đã bao giờ bạn lăn tăn và đặt câu hỏi trên ? Tiêu chí để bạn chọn một trong 2 phương án trên là gì ? Lợi nhuận, thương hiệu hay niềm vui sướng vì làm được điều mình muốn ?
Hãy để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Hắn với thằng bạn ngày xưa là kỳ phùng địch thủ của nhau, oái oăm thay, lại cùng mở quán cà phê. Khác một cái, hắn thì mở chuỗi cũng được 10 quán, còn thằng bạn chỉ độc một quán duy nhất ngày này qua tháng khác.
Khi biết chuỗi 10 quán của hắn mỗi tháng lợi nhuận sau khi trừ hết mọi thứ cũng chả còn lại bao nhiêu, trong khi cái quán độc nhất của nó lại còn lời hơn cả 10 quán kia của hắn gộp lại, thằng bạn hắn mới nhếch mép cười và nhìn đời bằng lỗ mũi. Nó tự hào rằng một mình cái quán của nó đã đánh bại cả chuỗi hoành tráng của thằng bạn kỳ phùng địch thủ khi xưa. Cảm giác tự hào xâm lấn, thằng bạn không thể che giấu vẻ hài lòng.
Hắn thì ngồi cười theo thôi, chả nói gì. Hắn biết rằng thằng bạn ngồi đối diện không biết rằng…
1. Lợi nhuận của một đơn vị kinh doanh không phải lúc nào cũng là thứ quan trọng nhất.
Nói thì nghe nghịch lý, nhưng đúng là như vậy. Lợi nhuận chỉ là thứ đáng quan tâm hàng đầu nếu nó đang ở mức âm. Khi một đơn vị kinh doanh thua lỗ, thì điều cần kíp nhất là tăng lợi nhuận thu về để tránh sập tiệm. Lúc đó đúng là cần quan tâm đến lợi nhuận nhất. To cỡ nào mà lỗ cả tỷ đồng thì khó mà ngồi yên cho được.
Tuy nhiên, nếu một đơn vị kinh doanh (một cái quán trong chuỗi chẳng hạn) đã đạt mức hòa vốn hoặc lời ổn định, thì bản chất nó lại thay đổi. Đơn vị kinh doanh lỗ là một vật nặng kéo tất cả đi xuống, nhưng một khi nó đã tự tồn tại được, thì ta không cần phải quan tâm đến nó nữa, và tiếp tục mở đơn vị tiếp theo. Để hiểu thêm, xem tiếp phần sau, hắn sẽ phân tích rõ hơn.
2. Tầm ảnh hưởng (impact) quan trọng hơn lợi nhuận.
Tầm ảnh hưởng là khả năng tác động (và mang lại lợi ích) cho nhiều người; còn lợi nhuận về bản chất là phần lợi ích chia cho chủ sở hữu mà thôi. Một công ty có thể có tầm ảnh hưởng cao trong khi lợi nhuận lại không cao. Ví dụ:
– Một cái siêu thị có 100 nhân viên, mang lại thu nhập trung bình 5 triệu/tháng cho 100 nhân viên này, thêm thu nhập cho chủ đất (cho là 100 triệu), và chỉ lời 30 triệu/tháng. Tầm ảnh hưởng (tạm tính theo thu nhập cho mọi người) là 630 triệu/tháng.
– Trong khi đó, một cửa hàng nhỏ 10 nhân viên (5 triệu/người/tháng), thuê đất 10 triệu/tháng, có thể lời 40 triệu. Tầm ảnh hưởng là 100 triệu/tháng.
Như vậy, xét về lợi nhuận, thì cửa hàng sẽ hơn siêu thị, nhưng tầm ảnh hưởng của siêu thị lớn hơn nhiều.
Vậy tại sao tầm ảnh hưởng lại quan trọng hơn lợi nhuận? Đó là vì như định nghĩa, lợi nhuận chỉ mức lợi ích của chủ sở hữu, trong khi tầm ảnh hưởng chỉ mức lợi ích của toàn bộ những người có liên quan. Khi bạn mang lại lợi ích nhiều hơn cho mọi người (bất kể là ai), dĩ nhiên là bạn sẽ có nhiều sức mạnh hơn. Nếu cần, chủ sở hữu có thể điều chỉnh mức phân chia lợi ích (lương, thưởng…) và nhận nhiều lợi nhuận hơn về sau.
Để mở rộng tầm ảnh hưởng, ta buộc phải mở nhiều đơn vị kinh doanh không lỗ. Quy trình chung là, nếu đơn vị kinh doanh A1 đã không lỗ, ta tiếp tục mở A2. Chờ tới khi A2 ổn định (không lỗ), ta tiếp tục mở A3… Khi đó, chuỗi A1-A2 trước đó đã tự tồn tại được, và không mất nhiều thời gian và tiền bạc để duy trì nữa. Cứ như vậy, số lượng đơn vị kinh doanh tăng, tầm ảnh hưởng tăng (dù có thể mỗi đơn vị không cho nhiều lợi nhuận). Có thể nói, đơn vị kinh doanh không lỗ (tự vận hành) là thứ quan trọng nhất để mở rộng tầm ảnh hưởng.
3. Tầm ảnh hưởng (với cốt lõi là các đơn vị kinh doanh tự vận hành) là công cụ khuếch đại tuyệt vời.
Thử tưởng tượng bạn có 10 cửa hàng tự vận hành (không lời nhiều, nhưng sống được), thì mỗi khi có một ý tưởng nào đó, bạn có thể thực thi ngay với quy mô lớn. Ví dụ, hắn muốn bán sách của hắn, thì hắn có ngay 10 địa điểm để độc giả tới mua ngay. Nếu hắn chỉ có 1 cửa hàng tự vận hành, thì ý tưởng này chỉ có thể thực thi ở 1 địa điểm mà thôi. Tương tự, nếu có đơn vị nào khác muốn hợp tác đặt màn hình quảng cáo, thì với 10 cửa hàng tự vận hành, hắn sẽ có nhiều ưu thế đàm phán và có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho đối tác.
Nói cách khác, mỗi một đơn vị kinh doanh tự vận hành là một dấu cộng trong số nhân ý tưởng. Nếu có 1000 đơn vị tự vận hành, thì mỗi ý tưởng nghĩ ra sẽ được thực thi mạnh gấp 1000 lần những người chỉ kinh doanh riêng lẻ. Kinh Đô nghĩ tới chuyện bán bánh bao cũng dựa trên ý tưởng này: với số lượng lớn điểm bán lẻ sẵn có, bánh bao của họ sẽ ngay lập tức được tiêu thụ trên khắp cả nước, thay vì chỉ xuất hiện ở duy nhất một cửa hàng như những lò truyền thống khác.
Bởi mới nói, không phải lúc nào lợi nhuận cũng là thứ quan trọng nhất. Thằng bạn hắn không biết điều đó. Nó cũng không biết rằng hắn mặt thì cười, nhưng trong lòng đang thấy có chút tội nghiệp. Chả là 3 tháng sau, chuỗi của hắn sẽ mở thêm quán thứ 11 đối diện quán thằng bạn. Và 10 quán trước đó sẽ tập trung quảng bá cho số 11 cạnh tranh trực tiếp với quán thằng bạn.
Thằng bạn hắn đâu có biết, nên nó vẫn ngửa mặt lên và nhếch mép.
Thôi kệ nó vậy, cũng chẳng còn cười được bao lâu nữa. Tội thiệt.
Theo Ecoblader.
Tuyền Phạm 0936.399.511
No comments:
Post a Comment