Tự do, linh hoạt, và độc lập là một vài trong số hàng loạt những tính từ được sử dụng khi mô tả công việc của một freelancer, nhưng “dễ dàng” chưa bao giờ là một trong số đó. Vậy tại sao vẫn có rất nhiều người lựa chọn đi theo con đường làm freelance?
Để biến những lý do trên thành lợi ích thực tế, freelance đòi hỏi bạn phải biết tự định hướng cho bản thân, chủ động quản lý các nguồn thu nhập, luôn luôn sáng tạo và đi kèm đó là rất nhiều công việc phải làm. Những điều trên thực sự không dễ dàng có được, nhưng một vài sai lầm phổ biến mà các freelancer vẫn thường gặp phải thì không quá khó để bạn nhận biết & tránh khỏi.
8 COMMON FREELANCING MISTAKES YOU CAN AVOID
1. Tư duy như một nhân viên; tự giới hạn giờ làm việc của bản thân.
Thật tuyệt vời khi bên cạnh bạn không có những “ông sếp” luôn thường trực nhắc nhở bạn phải làm gì, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn phải tự mình có trách nhiệm marketing dịch vụ của bạn, thường xuyên nâng cao kỹ năng, đàm phán và theo dõi các khoản chi tiêu thanh toán cũng như các dự án cần ưu tiên để đáp ứng kịp thời hạn. Làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để chờ đợi cơ hội đến với bạn là một trong những sai lầm tồi tệ nhất của freelancer. Hãy suy nghĩ như một doanh nhân và làm bất cứ điều gì cần thiết để nâng cấp chất lượng công việc. Khảo sát của Genesis Research Associates cho thấy 90% freelancer tin rằng “chủ doanh nghiệp” là từ vựng phản ánh tư tưởng của freelancer thay vì từ “nhân viên”.
2. Làm việc với năng suất tối thiểu, đơn thuần làm theo chỉ thị
Với công việc freelance, khách hàng là người cung cấp cơ sở, nền tảng cũng như các thông số của dự án, còn bạn sẽ là người mang đến những kiến thức chuyên môn và một góc nhìn mới cho dự án đó. Đây là mối quan hệ bình đẳng giữa những người cộng tác trong một dự án nhưng ở đó bạn nắm thế chủ động. Nếu phong cách làm việc của bạn là chỉ làm theo những gì khách hàng yêu cầu, họ sẽ bắt đầu tự hỏi tại sao họ lại để bạn đảm nhận vị trí này. Sáng tạo những ý tưởng mới và sẵn sàng bảo vệ quan điểm sáng tạo của bạn, ngay cả khi nó mâu thuẫn với quan điểm của khách hàng, và chứng minh cho khách hàng thấy rằng điều bạn làm sẽ đem lại lợi ích cho họ. Quan điểm và ý kiến đóng góp của bạn chính là giá trị mà bạn xây dựng nên.
3. Tìm kiếm khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhận làm mọi dự án có thể
Celine Roque, một freelancer và một huấn luyện viên dài dặn kinh nghiệm, nhấn mạnh rằng nền tảng của sự nghiệp freelance thành công là cụ thể hóa đối tượng khách hàng tiềm năng và chỉ làm việc với những vị khách tiềm năng đó. Nhận làm tất cả các dự án mà bạn tìm được là một trong những sai lầm phổ biến nhất có thể khiến bạn bế tắc trong công việc mà bạn không thích cùng với những vị khách đối xử với bạn không công bằng. Xây dựng tiêu chí khách hàng tiềm năng – những người tôn trọng bạn, đối xử bình đẳng với bạn. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và năng lượng giúp bạn tiếp tục tập trung vào những khách hàng tiềm năng và công việc mang về nguồn thu nhập tương xứng.
4. Hài lòng với mức lương thấp, bỏ qua khía cạnh thu nhập
Nhờ các tiêu chí trên, chúng ta dễ dàng loại bỏ các dự án không phù hợp với những gì thực sự làm bản thân hứng thú. Bạn nên làm việc với các khách hàng mang những giá trị và mục tiêu có sự đồng thuận với bạn. Nhược điểm ở đây, là bạn đã sử dụng việc được ở trong một mối quan hệ hợp tác thoải mái dễ chịu để biện minh cho việc đồng ý được trả ít hơn. Có thể chấp nhận làm việc với mức lương thấp hoặc thậm chí không lương khi bạn muốn hỗ trợ các cộng đồng, dự án hoặc có những cá nhân nào đó vận động bạn cùng chia sẻ hỗ trợ. Nhưng khi bạn làm điều đó quá thường xuyên, nó có thể khiến bạn nhận thức méo mó về giá trị của bản thân. Hãy kiên quyết thiết lập giá trị cho những đóng góp của bạn và nhận mức lương theo tiêu chuẩn trên thị trường và kỹ năng, kinh nghiệm bạn sở hữu.
5. Ít giao tiếp, bỏ qua những điều cần nói.
Với freelance, nơi khách hàng đến từ các nền văn hóa khác nhau và khắp nơi trên thế giới, không có gì là rõ ràng cả! Tất cả những thứ đáng nói và quan trọng nhất đều cần được ghi vào văn bản. Một nghiên cứu thực tiễn được công bố bởi Outsourcing Center kết luận rằng sự thấu hiểu mục tiêu của nhau là chìa khóa thành công cho các mối quan hệ thuê nhân sự ngoài (hay outsourcing). Đừng cho rằng mục tiêu của bạn đã quá rõ ràng với khách hàng cũng như bạn đã hiểu rõ hết mục tiêu của họ. Lặp lại, diễn giải, và xác nhận để chắc chắn rằng bạn và khách hàng hiểu được nhau. Thiết lập sớm một kênh liên lạc bằng cách làm rõ trọng tâm dự án là ai. Cung cấp chi tiết cho khách hàng thông tin liên lạc của bạn và thời gian tốt nhất để gặp bạn. Phản hồi kịp thời các tin nhắn liên lạc trong trường hợp có sự khác biệt về múi giờ nếu như bạn làm cho các khách hàng ở đất nước khác.
6. Không đề xuất những dự án khả thi khác, mất mối liên lạc
Khách hàng tốt nhất trong tương lai của bạn chính là những khách hàng trong quá khứ hoặc hiện tại. Tại sao? Bởi vì họ đã biết rõ phong cách làm việc cũng như chất lượng công việc bạn mang lại, đồng thời bạn cũng đã biết những thách thức kinh doanh và mục tiêu của họ. Đừng vội vàng làm việc với những khách hàng mới mà không đề xuất một dự án khả thi khác với khách hàng hiện tại của bạn. Đây chính là lợi thế chủ động của bạn. Đề xuất dự án mới sẽ giúp bạn chứng tỏ với khách hàng rằng bạn hiểu rõ mong muốn của họ và muốn giúp đỡ họ đạt được chúng. Nếu bạn không hình dung ra được những dự án khác hoặc nếu khách hàng từ chối lời đề nghị của bạn, hãy gửi một email với lời cảm ơn kèm theo thông tin liên hệ để giữ liên lạc. Bạn vẫn còn hoài nghi về giá trị của việc giữ liên lạc với khách hàng cũ? Những con số mà Báo cáo Ngành Freelance đã ghi lại: Những cách hiệu quả nhất để freelancer tìm kiếm khách hàng chính là thông qua: Khách hàng giới thiệu (27,4%), truyền miệng (23,8%) và mạng lưới cá nhân/ nghề nghiệp (16,9%).
7. Từ bỏ – sai lầm đáng buồn nhất khi làm freelance
Sự nghiệp freelance thành công cần có thời gian, không những tính bằng giờ mà còn bằng mức độ tận tâm trong công việc và sự cố gắng không ngừng nghỉ. Bằng sự rèn luyện, những bước tiến trong công việc sẽ đến với bạn. Đừng tự nuôi dưỡng sự hoài nghi và phân tâm mà làm mất đi sự tập trung của bản thân. Khắc ghi những thành công mà bạn đạt được. Nhìn lại những bước đi đầu tiên và trân trọng những tiến bộ mà bạn có. Nikki Parker của Freelancer.com cho biết, “Nhà tuyển dụng sẵn sàng trả nhiều hơn cho chất lượng công việc” và đánh giá freelancer dựa trên “feedback trong quá khứ, kỹ năng, uy tín và danh mục đầu tư trong công việc.”
8. Mất đi cái nhìn về bức tranh tổng thể; bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống
Công việc freelance làm mờ ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian dành cho gia đình, thư giãn hoặc những việc khác. Công việc cuốn hút bạn, khiến bạn nhận việc nhiều hơn và làm việc tới tận đêm muộn hoặc thông suốt những ngày cuối tuần. Một số dự án sẽ yêu cầu bạn phải làm việc nhiều giờ như vậy, nhưng nếu bạn làm điều này thường xuyên và cho phép khách hàng kiểm soát lịch trình của bạn, bạn có thể bị kiệt sức, cạn kiệt ý tưởng sáng tạo và làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Trong số những sai lầm của công việc freelance, điều này có tác động lớn nhất tới sức khỏe, các mối quan hệ, và các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Chỉ nhận công việc với lịch trình làm việc hợp lý giúp bạn có thêm thời gian và năng lượng cho một cuộc sống cân bằng.
Tận hưởng sự tự do và linh hoạt trong công việc freelance như thế nào hoàn toàn được quyết định bởi lựa chọn của mỗi cá nhân.
Bạn muốn làm việc toàn thời gian hay thử nghiệm một giai đoạn chuyển đổi dần dần sang làm freelancer trong khi vẫn giữ công việc của bạn?
Bạn có cảm thấy hào hứng khi làm thật nhiều dự án đồng thời và liên tiếp?
Liệu làm việc lâu dài với một khách hàng có củng cố cho mạng lưới liên kết của bạn?
Bạn có hài lòng khi chỉ cộng tác với lượng ít khách hàng cùng các dự án cách quãng cho phép bạn theo đuổi những mục đích khác?
Quyết định con đường đi của mình và tránh những sai lầm trên, công việc freelance của bạn sẽ sớm đi vào vận hành một cách tự do và dễ dàng.
Theo Lifehack & Moonwork
No comments:
Post a Comment